Nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế (NNT)

(TCT online) – Tuân thủ thuế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả cơ quan thuế và người nộp thuế (NNT), bởi việc đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế và tuân thủ công tác báo cáo thuế mang lại nhiều hiệu quả trong sử dụng và quản lý, như giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho DN và khắc phục tình trạng làm giả mạo, tiết kiệm chi phí xã hội và nâng cao ý thức NNT. Bài viết sử dụng số liệu thứ cấp giai đoạn 2017-2023 của Tổng cục Thuế bằng phương pháp thống kê, so sánh và khảo sát, để tập trung đánh giá, phân tích thực trạng, từ đó đề xuất biện pháp trong thời gian tới.

Thực trạng tuân thủ của NNT

Thuế là nguồn thu quan trọng của NSNN, vì thế việc đảm bảo được sự tuân thủ tự nguyện của NNT là một trong những yêu cầu cơ bản đặt ra đối với công tác hoạch định chính sách thuế và hoạt động thực thi pháp luật thuế. Tuy nhiên, do việc thực hiện nghĩa vụ thuế ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến những lợi ích vật chất của NNT, nên họ không hoàn toàn tự nguyện trong tuân thủ nghĩa vụ thuế. Ở Việt Nam hiện nay, trong điều kiện thực hiện cơ chế NNT tự kê khai, tự nộp thuế và hiện đại hóa công tác quản lý thuế, việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá tính tuân thủ thuế của NNT để có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa tính tuân thủ thuế là hết sức quan trọng. Điều này đặt ra yêu cầu phải làm sáng tỏ thêm về lý luận và thực tiễn tuân thủ thuế, đặc biệt phải đánh giá được mức độ tuân thủ thuế của NNT và đánh giá được hiệu quả của hoạt động giám sát tính tuân thủ thuế ở Việt Nam để cơ quan quản lý thuế (CQT) thực hiện các biện pháp quản lý có hiệu quả hơn.

Qua nghiên cứu cho thấy, thời gian qua, các thủ tục về đăng ký và cấp mã số thuế đã được CQT cải cách rõ rệt, tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho NNT thực hiện quyền và nghĩa vụ với NSNN. Nhờ những cải cách thủ tục của ngành Thuế, NNT đã chủ động và tự giác hơn trong việc đăng ký thuế. Số lượng NNT đăng ký thuế gia tăng qua các năm gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và tương đồng với số DN mới thành lập hàng năm. Theo báo cáo công bố “Đánh giá mức độ tuân thủ thuế của DN” của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Ngân hàng thế giới năm 2023 với thang điểm từ 0 đến 5, thì mức độ tuân thủ thuế được đánh giá cao nhất thuộc về đối tượng DN có vốn nhà nước, đạt 4,3 điểm; sau đó đến DN dân doanh đạt 4,12 điểm và cuối cùng là DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,7 điểm. Xét về loại hình DN, DN có vốn nhà nước có ý thức chấp hành đăng ký thuế tốt hơn so với các DN còn lại. Mặc dù các đối tượng này vẫn ở ngưỡng cao hơn trung bình song có thể thấy mức độ khác nhau trong chấp hành nghĩa vụ đăng ký thuế.nâng cao trách nhiệm người nộp thuế nnt

Về tuân thủ kê khai thuế, trong giai đoạn 2016-2022, số lượng DN tuân thủ kê khai thuế đạt ở mức cao. Giai đoạn 2018-2022 trung bình đã có 96% số tờ khai thuế đã nộp so với tổng số tờ khai phải nộp (trong khi mục tiêu ngành Thuế đề ra đạt tối thiểu là 95% năm 2020), cao hơn giai đoạn mới triển khai thuế điện tử 2016-2017 là 93%.

Về tuân thủ nộp thuế, giai đoạn 2016-2022, CQT các cấp đã đẩy mạnh việc kê khai thuế điện tử thông qua việc kết nối hệ thống ứng dụng ngành Thuế với 12 nhà cung cấp dịch vụ kê khai thuế qua mạng internet (T-VAN). Số lượng DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với CQT tăng từ 90% đến 98% trên tổng số DN đang hoạt động. Số DN đã nộp thuế điện tử qua các ngân hàng thương mại tăng lên qua các năm, do CQT tăng số lượng ngân hàng được ủy quyền, tạo sự tiện lợi hơn cho DN. Theo thống kê, trong năm 2022, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với CQT là 856.172, đạt tỷ lệ 98,5%. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng và nộp đúng hạn là 854.454 DN, đạt tỷ lệ 97,3%. Năm 2022, các DN đã nộp thuế thông qua 2.577.313 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 542.836 tỷ đồng và 48.707 USD.

Về tuân thủ báo cáo thuế, thông qua thực hiện phỏng vấn chuyên sâu nội dung vi phạm báo cáo thuế với 50 chuyên gia thuộc CQT (trong đó 10% ban lãnh đạo, 20% trưởng phòng thanh tra, 25% đội trưởng đội kiểm tra, 15% thanh tra viên và 30% kiểm tra viên) và 50 DN (thuộc 5 lĩnh vực kinh doanh chính là công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn và bán lẻ; xây dựng), kết quả cho thấy, việc không tuân thủ thuế của DN phổ biến hiện nay là khai báo sai thu nhập, dẫn đến phản ánh nghĩa vụ thuế TNDN không đúng quy định và không đúng với hoạt động của DN trong nền kinh tế. Các biểu hiện không phù hợp về số liệu trên báo cáo tài chính cũng dẫn đến sự không phù hợp của các báo cáo thuế, đây chính là một trong những biểu hiện của sự không tuân thủ thuế của DN (Franzoni Luigi A,1998).

Mặc dù việc đăng ký thuế, kê khai thuế cũng như việc tuân thủ nộp thuế và công tác báo cáo thuế đã ghi nhận nhiều tiến bộ, song so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, như việc DN không thực hiện, hoặc chậm trễ trong kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế hay kê khai thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký thuế. Một số DN chấp hành việc nộp hồ sơ khai thuế chưa tốt; kế toán làm nhiều DN nhưng khai thuế dồn vào những ngày cuối hạn nộp nên còn nộp chậm. Cùng với đó vẫn còn một số đơn vị được giao nhiệm vụ thu nộp phí, lệ phí và một số DN, đơn vị sự nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế đã làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Nguyên nhân của tình trạng này là do ngành Thuế hiện đang đánh giá NNT dựa trên hành vi tuân thủ chung, nên dịch vụ hỗ trợ NNT chưa được điều chỉnh theo phân loại NNT hay ngành kinh tế. Việc kết nối, trao đổi thông tin về NNT giữa CQT với các bộ, ngành chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, do cơ chế trao đổi thông tin còn chưa phù hợp, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật giữa các bộ, ngành còn chưa đồng đều, thống nhất. Công tác quản lý rủi ro trong quản lý thuế mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, song chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ. Tác phong làm việc và tiếp dân của cán bộ thuế được đánh giá là chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, khi kinh doanh trên nền tảng số đã trở nên phổ biến, thì hệ thống pháp luật thuế vẫn còn những quy định chưa thống nhất, chồng chéo, gây nhiều cách hiểu không đúng. Đấy là chưa kể đế nhận thức và hiểu biết về nghĩa vụ thuế của NNT chưa đầy đủ.

Giải pháp nâng cao tính tuân thủ thuế của NNT

Từ thực trạng phân tích ở trên, để tiếp tục nâng cao tính tuân thủ pháp luật của NNT, bài viết đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Về thủ tục đăng ký thuế, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký thuế bằng cách tập trung rà soát các thủ tục có cùng nội dung, yêu cầu về hồ sơ và trình tự xử lý hồ sơ để hợp nhất thành một thủ tục. Bên cạnh đó, cải tiến mẫu tờ khai đăng ký thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện cho DN; đồng thời, lập tiêu chí phân loại các thủ tục theo nhóm tiêu chí DN, đảm bảo thuận lợi cho quá trình đăng ký.

Về thủ tục kê khai thuế, cần thiết kế quy trình và mẫu khai thuế phù hợp với từng sắc thuế và từng loại đối tượng NNT là DN hoặc cá nhân. CQT cần điều chỉnh và hoàn thiện các mẫu tờ khai thuế sao cho khoa học, các thông tin trên tờ khai sử dụng được cho nhiều mục đích khác nhau trong quản lý thuế, có sự liên kết giữa các sắc thuế trên chỉ tiêu trên tờ khai trong một DN. Bên cạnh đó, các mẫu tờ khai thuế nên sử dụng đồng bộ tại CQT từ cấp trung ương đến cấp địa phương trong một khoảng thời gian ổn định, nhằm hạn chế sự thay đổi, gây khó khăn cho NNT. Ngoài ra, các mẫu biểu, phụ lục đi kèm hồ sơ khai thuế cần thiết kế theo hướng tinh giản hóa với các tiêu chí dễ hiểu, dễ định lượng.

Về thủ tục nộp thuế và hoàn thuế, cần đảm bảo sự kết nối thông tin liên tục giữa các cơ quan chức năng gồm: Kho bạc Nhà nước, CQT và các ngân hàng trong quản lý nộp thuế của NNT. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình thu nộp NSNN và tính pháp lý của quy trình này. Nhà nước cần khẩn trương thiết lập kế hoạch xây dựng và triển khai Trung tâm/Cổng thanh toán quốc gia – nơi xử lý tất cả các giao dịch liên quan đến các khoản thu chi của các cơ quan chức năng thuộc khu vực nhà nước, nhằm đảm bảo có sự trao đổi thông tin thống nhất và nhiều chiều, phục vụ yêu cầu quản lý của từng ban ngành chức năng có liên quan.

Ngoài ra, để tránh trùng lặp trong hồ sơ hoàn thuế, cần rà soát và điều chỉnh thủ tục hoàn thuế theo tiêu chí thể hiện tính minh bạch, logic, gọn nhẹ, tạo điều kiện cho DN hoàn thành thủ tục một cách thuận tiện, nhanh chóng. Hồ sơ hoàn thuế có thể chia thành 2 loại: một là hoàn thuế gắn với hồ sơ kê khai thuế (ví dụ: thuế TNCN và thuế GTGT). Hai là, hoàn thuế không gắn với hồ sơ kê khai thuế. Như vậy, NNT sẽ biết mình thuộc đối tượng nào để hoàn tất thủ tục hoàn thuế theo đúng yêu cầu với thời gian và chất lượng đảm bảo. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của CQT.

Mặt khác, để giúp DN hiểu và thấy được tầm quan trọng của triển khai thuế điện tử trong khâu kê khai, nộp thuế và hoàn thuế, từ đó giúp tăng cường tính tuân thủ của DN khi chấp hành nghĩa vụ thuế, CQT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT. Đặc biệt, khi thương mại điện tử trở thành dạng thức kinh doanh phổ biến, ngành Thuế cần đề xuất sửa đổi chính sách theo hướng quy định chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện kê khai, khấu trừ thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn. Đối với các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, trước khi trả tiền cho cá nhân Việt Nam (dòng tiền vào Việt Nam), thì khấu trừ, khai thuế trực tiếp với CQT qua Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế. Đồng thời bổ sung quy định, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán căn cứ khoản tiền được trả từ nước ngoài thông qua tài khoản của cá nhân để khấu trừ, khai thay, nộp thay cho cá nhân trong nước khi nhận tiền kinh doanh được trả từ nước ngoài, qua đó tạo công bằng giữa các tổ chức kinh doanh và đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Tài liệu tham khảo

[1] Franzoni Luigi A (1998), Tax evasion and tax compliance, Journal Available at SSRN 137430.
[2] Phạm Thị Mỹ Linh (2019), Các nhân tố ảnh hưởng đến tuân thủ thuế của DN Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp TP Hà Nội, Luận án TS Kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
[3] Nguyễn Hoàng & Đào Thị Phương Liên (2013), Ảnh hưởng của chính sách thuế đến tuân thủ thuế: Kết quả khảo sát và một số kiến nghị, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 190 (II), 40-45.
[4] Tổng cục Thuế (2017-2023), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2017-2023, Hà Nội.
[5] VCCI, Worldbank (2023), Báo cáo đánh giá mức độ tuân thủ thuế đối với DN trong bối cảnh chuyển đổi số, Hà Nội.

TS Tôn Thất Viên – Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH)
ThS Đàm Minh Trung – Ngân hàng TNHH Indovina

Theo https://thuenhanuoc.vn/

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *