Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT nửa đầu năm 2025

(TCT online) – Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) trong 6 tháng đầu

Nhiều rủi ro ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng

Thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của DN, người dân được triển khai với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, qua đó đóng góp trở lại cho NSNN.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì cũng tồn tại không ít thách thức, rủi ro có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025 (kế hoạch là 6,5%-7%). Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức có thể kéo lùi đà tăng trưởng, từ sự gia tăng bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực, cho tới việc các quốc gia tăng cường theo đuổi chính sách bảo hộ kinh tế.

Ở trong nước, tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường vẫn có xu hướng cao; tiêu dùng, giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng; đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt được một số tiến bộ, nhưng vẫn chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh của DN, người dân.

Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 cũng như tác động không nhỏ tới hoạt động của DN, người dân. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng.

Thông lệ và kinh nghiệm của các nước chủ yếu hỗ trợ giải quyết trực tiếp vấn đề khó khăn về dòng tiền cho DN thông qua việc giảm thuế GTGT, TNDN; giảm chi phí mặt bằng, tiền điện nước, tiền thuê đất. Các nước không sử dụng các sắc thuế TTĐB, thuế TNCN thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường (trừ thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn do là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rộng khắp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân) do không mang tính phổ quát đến mọi DN, tổ chức…Bộ tài chính đề xuất giảm thuế GTGT nửa đầu năm 2025

Mặt khác, thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn và tiền thuê đất, giảm các khoản thu phí, lệ phí hỗ trợ DN và người dân mang lại hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của DN…

Do đó, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế – xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết tiếp tục thực hiện một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân trong năm 2025. Trong đó, giảm thuế GTGT là giải pháp vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Có thể áp dụng ngay từ đầu năm 2025

Ngày 12/11/2024, Chính phủ đã có Nghị quyết số 218/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, bao gồm tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Trên cơ sở này, đồng thời bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã có dự thảo đề nghị xây dựng nghị quyết giảm thuế GTGT. Theo đó, dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB.

Bộ Tài chính đề xuất thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2025, áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế GTGT hiện hành quy định 2 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp bằng số thuế GTGT đầu ra – số thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%, thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm thuế 2% thuế GTGT đối với 1 số hàng hóa, dịch vụ tại dự thảo giữ nguyên như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15; giao Chính phủ hướng dẫn, tổ chức triển khai, bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả, dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

“Việc giảm thuế GTGT 2% đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Việc giảm thuế góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động”, dự thảo tờ trình cho hay.

năm 2025 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, đóng góp trở lại cho NSNN.

Giai đoạn 2022-2024, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Theo đó, năm 2022, chính sách giảm thuế GTGT đã hỗ trợ DN và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Năm 2023, việc giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ DN và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *